Chia sẻ

Nguyên tắc cần “thuộc nằm lòng” để đảm bảo an toàn, bảo mật khi sử dụng thẻ tín dụng

24/10/2018

Tính tiện lợi và những ưu đãi hấp dẫn khi mua sắm bằng thẻ tín dụng là lợi ích không thể phủ nhận. Vì lẽ đó, hiện nay càng nhiều người Việt Nam quyết định sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán. Tuy nhiên, những rủi ro từ việc sử dụng thẻ tín dụng cũng là điều cần quan tâm. Nhiều khách hàng vẫn chưa biết cách sử dụng cũng như chú ý cần thiết khi chi tiêu qua thẻ tín dụng.

Dưới đây là những nguyên tắc bảo mật mà bạn “phải thuộc nằm lòng” để bảo mật thẻ tín dụng an toàn.

Luôn để thẻ tín dụng trong tầm kiểm soát, tuyệt đối tránh trường hợp để nhân viên thu ngân cầm thẻ ra khỏi tầm mắt

Thông thường khi ăn uống tại các nhà hàng và thanh toán bằng thẻ tín dụng, nhiều chủ thẻ chủ quan đưa thẻ tín dụng của mình cho nhân viên thu ngân để họ thực hiện thanh toán mà không để mắt đến. Nếu như nhân viên thu ngân muốn gian lận sẽ chụp lại các thông tin bảo mật trên thẻ, điều này dẫn đến những hậu quả vô cùng nguy hại.

Vậy nên một lời khuyên quan trọng OCB đưa ra là bạn cần lưu ý tuyệt đối luôn để thẻ trong tầm kiểm soát khi đưa nhân viên thanh toán. Một cách khác an toàn hơn là bạn hãy xóa mã xác thực trên thẻ để giúp ngăn thông tin thẻ bị chụp lại. Bên cạnh đó, bạn cũng lưu ý phải kiểm soát việc nhân viên thu ngân có nhập đúng số tiền thực phải trả hay không. Một số trường hợp bạn sơ ý không kiểm tra dẫn đến việc quẹt thẻ tín dụng vượt quá mức chi thực tế của mình.

Không bao giờ cho người khác mượn thẻ

Tuy không phải là tiền mặt nhưng thẻ tín dụng cũng quan trọng tương đương tiền vì vậy cần luôn giữ thẻ bên mình. Đặc biệt với thẻ tín dụng vì có thể bị lợi dụng thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn và ba số phía sau thẻ) để mua hàng online. Điều này ảnh hưởng đến nghĩa vụ chi trả của bạn. Vì vậy, bạn nhất định không được để lộ thông tin thẻ, không chia sẻ, hạn chế cho người khác mượn hay chụp ảnh lại.

Không cung cấp thông tin thẻ, thông tin cá nhân hay mật khẩu dưới bất kỳ hình thức nào cho các trang web và email lạ, không tin cậy

Thống kê từ các ngân hàng cho thấy, phần lớn rủi ro đến từ những kẽ hở trong các giao dịch thanh toán trực tuyến.

Hiện nay có nhiều trang web không uy tín, mở ra với mục đích lừa khách hàng đăng kí, nhập thông tin để lấy cắp dữ liệu, thông tin cá nhân. Khác với thẻ nội địa ATM, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, nhiều trang websie đã yêu cầu khách hàng nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực, ngày hết hạn và mã xác thực thẻ (CVV). Đây là những chiêu trò được sử dụng để kẻ gian có thể lừa đảo chiếm dụng thẻ để thanh toán.

Vì vậy, truy cập website trực tuyến, bạn nên cân nhắc và hạn chế cung cấp những thông tin cá nhân nhạy cảm cho người không quen biết. Ngoài ra, nên mua hàng và thanh toán ở những nơi có uy tín, được sự tư vấn tốt của nhiều người.

Dưới đây là cách thông dụng để nhận biết những website uy tín hoặc đề phòng những trang web nguy hiểm. Đa phần các website ngân hàng, mua sắm, thư điện tử, mua hàng trực tuyến... đều được mã hóa thông qua giao thức HTTPS để khi bạn nhập nội dung từ máy tính đến mạng Wifi, sau đó từ Wifi đến các dịch vụ đều được mã hóa để giảm thiểu nguy cơ bị lộ thông tin. Thông thường những website bảo mật như thế này sẽ có đặc điểm nhận dạng là một biểu tượng khóa màu xanh trên tên miền. Điều này sẽ giúp các bạn bảo mật thông tin thẻ tín dụng khi giao dịch trực tuyến, giảm thiểu tình trạng bị đánh cắp thông tin. Ngược lại, nếu đăng nhập vào những website không có biểu tương mã khóa xanh, bạn nên cân nhắc và để an toàn tuyệt đối thì đừng bao giờ mạo hiểm nhập thông tin tài khoản, không thực hiện giao dịch trên những trang web này tránh nguy cơ bạn bị lộ thông tin tài khoản cá nhân của mình.

Kiểm tra các thông tin giao dịch trên hóa đơn trước khi ký xác nhận thanh toán

Nhiều chủ thẻ vẫn rất sơ suất khi thanh toán bằng thẻ tín dụng mà không kiểm tra hóa đơn, dẫn đến tiền thanh toán vượt quá số chi tiêu thực tế. Vậy nên đừng quên kiểm tra và đối chiếu lại các nội dung trong hóa đơn trước khi xác nhận thanh toán. Khi bạn dùng thẻ để thanh toán tiền ăn uống, hóa đơn, hãy nhớ kiểm tra lại thông tin: tên chủ thẻ, số thẻ, nội dung, giá trị hóa đơn…

Một nguyên tắc bảo mật cơ bản được nhiều nước trên thế giới áp dụng là ký vào mặt sau của thẻ. Việc này để tránh khi thẻ rơi vào tay người xấu, nơi chấp nhận thẻ sẽ đối chiếu chữ ký của họ với chữ ký in trên mặt sau thẻ. Tuy nhiên, quy trình chứng thực chữ ký chủ thẻ cũng chưa được các điểm thanh toán thực hiện đúng và ở Việt Nam cũng còn hạn chế. Hầu hết sau khi quẹt thẻ, nhân viên thu ngân chỉ yêu cầu khách hàng ký vào hóa đơn nhưng lại không đối chiếu với chữ kí mẫu.

Điều quan trọng cấp thiết là ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ thẻ tín dụng bị sao chụp hoặc thông tin thẻ bị lộ, khách hàng phải thông báo ngay lập tức cho ngân hàng để yêu cầu khóa tài khoản và phát hành lại thẻ.

Chia sẻ
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Chương trình ưu đãi khác

Đăng ký nhận thông tin từ OCB

Ngân hàng số OCB OMNI trên di động