Chia sẻ

Tiết kiệm tiền để làm gì? 3 mẹo tiết kiệm tiền đơn giản

25/08/2021
Tiết kiệm tiền là điều mà chúng ta nên làm trong cuộc sống. Nếu bạn đang có một công việc với mức thu nhập ổn định mà cuối tháng thường hay “nhẵn túi” hay chỉ đơn giản là muốn bắt đầu đầu tư vào một lĩnh vực gì đó thì bạn nên xem xét đến việc tiết kiệm tiền từ ngay bây giờ. Nếu bạn vẫn đang thắc mắc “tiết kiệm tiền để làm gì?” thì bài viết này sẽ giải đáp cho bạn câu hỏi đó.

1. Tại sao cần phải tiết kiệm tiền?

Có rất nhiều lý do có thể trả lời cho câu hỏi “Tiết kiệm tiền để làm gì?”. Tiết kiệm tiền chính là việc giúp bạn có thể tự do về tài chính, đề phòng trường hợp rủi ro và nâng cao chất lượng cuộc sống trong tương lai.

Tiết kiệm tiền để làm gì?

Tiết kiệm cho các tình huống khẩn cấp

Cuộc sống đầy rẫy những sự bất ngờ, những tình huống mà chúng ta không lường trước được. Chính vì vậy, sẽ không bao giờ thừa thãi nếu chúng ta có một khoản tiết kiệm dành cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai. Những tình huống bất ngờ có thể xảy đến như là một người thân trong gia đình bạn bị ốm, bạn bị thất nghiệp trong một khoảng thời gian, hay bạn cần phải chi trả cho chi phí sửa xe, sửa nhà gấp,... Đấy đều là những việc không ngờ tới và đòi hỏi chúng ta cần một khoản tiền để chi trả. Nếu không có khoản tiết kiệm sẵn có, bạn có thể phải vay mượn hay bán các tài sản khác đi và chắc chắn đấy là điều mà không ai mong muốn xảy ra.

Việc có một khoản tiền tiết kiệm để sử dụng cho các tình huống khẩn cấp là vô cùng cần thiết và giúp bạn có một tâm lý thoải mái hơn trước bất kỳ biến cố gì xảy ra.

Tiết kiệm để cải thiện đời sống

Sở hữu những tài sản như nhà cửa, xe cộ để phục vụ cho đời sống hàng ngày là mục tiêu của rất nhiều người. Mỗi người đều cần trang bị một khoản tiết kiệm nhỏ để góp phần ổn định cũng như nâng cao đời sống của mình. Việc tiết kiệm tiền không chỉ đơn thuần là giúp bạn dễ dàng đạt được, sở hữu những tài sản, mục tiêu mà bạn đề ra, mà còn giúp bạn được vui vẻ hơn, có một tinh thần lạc quan, hạnh phúc.

Tiết kiệm tiền giúp bạn sở hữu các tài sản như nhà cửa, xe cộ dễ dàng hơn.

Hiện nay, ngân hàng đều cung cấp các gói vay trả góp giúp bạn có thể mua các tài sản lớn lên đến 80 - 100%. Tuy nhiên, việc vay trả góp những tài sản giá trị cao có thể khiến bạn mất 20 - 40 năm để hoàn trả. Nếu trong những trường hợp không may như làm ăn sa sút hay không đủ khả năng chi trả, bạn hoàn toàn có thể bị lấy lại tài sản đó. Bạn nên có một khoản tiền tiết kiệm và chỉ nên sử dụng dịch vụ trả góp khi sở hữu 40 - 50% giá trị của tài sản đó để có thể hoàn thành mục tiêu sở hữu một cách suôn sẻ và nhẹ nhàng nhất.

Tiết kiệm tiền cho tuổi già

Khi già đi là lúc sức khoẻ của bạn không còn được như lúc trước nữa và bạn cũng sẽ không thể kiếm tiền được như xưa. Sở hữu một khoản tiền tiết kiệm cho tuổi già là thực sự cần thiết. Bạn sẽ không cần phải lo lắng về việc nhờ vả con cháu, hay xin trợ cấp của xã hội. Nếu chủ động tiết kiệm từ khi còn trẻ, lúc về già, bạn không phải lo lắng tới việc chi trả chi phí sinh hoạt hàng ngày, hay chăm lo bệnh tật của bản thân. Việc của bạn chỉ là tận hưởng cuộc sống viên mãn bên con cháu và cuộc sống viên mãn lúc xế chiều.

Tiết kiệm tiền để đầu tư

Có rất nhiều người mong muốn khoản tiền nhàn rỗi của mình có thể sinh lời và tìm kiếm cách tiết kiệm tiền để đầu tư. Hiện nay, thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, bạn có thể đầu tư ở nhiều lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, hay đầu tư vàng. Không chỉ vậy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng hình thức gửi tiết kiệm như một cách để đầu tư sinh lời.

Gửi tiết kiệm để khoản tiền tiết kiệm của mình sinh lời.

Gửi tiết kiệm là một hình thức tiết kiệm rất phổ biến và không có nhiều rủi ro. Bạn hoàn toàn có thể mở sổ tiết kiệm chỉ với 100.000 VND và tích luỹ từ đó. Hiện nay, các ngân hàng ứng dụng công nghệ vào hệ thống và cho ra đời các sản phẩm gửi tiết kiệm trực tuyến như ngân hàng OCB, Techcombank, MBBank,...

Gửi tiết kiệm trực tuyến với OCB OMNI.

Đặc biệt, như ngân hàng OCB, việc gửi tiền tiết kiệm trực tuyến được khuyến khích và được hưởng mức lãi suất ưu đãi là 6,60% mỗi năm (cao hơn 0,30% so với gửi trực tiếp). Bên cạnh đó, khi gửi tiết kiệm trực tuyến, bạn có thể tất toán bất kỳ lúc nào, ở đâu, đem lại sự tiện lợi khi bạn cần dùng tiền trong trường hợp khẩn cấp.

2. Các mẹo tiết kiệm tiền một cách hiệu quả

Duy trì việc tiết kiệm tiền sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được những mục tiêu đề ra cũng như dự phòng cho những kế hoạch, tình huống bất ngờ trong tương lai. Tuy nhiên, mẹo tiết kiệm tiền hiệu quả là gì? Làm thế nào để tránh việc tiêu “quá đà” và tiêu vào những thứ không cần thiết?

3 mẹo giúp tiết kiệm tiền hiệu quả.

Đặt ra mục tiêu tiết kiệm của bản thân

Nếu bạn không có mục tiêu tiết kiệm của bản thân, việc tiết kiệm tiền sẽ rất dễ gây chán nản cho bạn. Thậm chí, có những lúc bạn sẽ nghĩ ngợi “Tại sao phải tiết kiệm tiền?”, “Tại sao mình không tận hưởng cuộc sống mà phải tiết kiệm tiền cho sau này?”. Những suy nghĩ này sẽ khiến bạn không muốn tiết kiệm nữa, hoặc là có suy nghĩ tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi, không cần tiết kiệm quá nhiều làm gì. Việc tiết kiệm không hiệu quả này sẽ không đem lại bất kỳ lợi ích nào trong dài hạn. Chính vì vậy, bạn hãy đặt ra mục tiêu tiết kiệm của bản thân nhé. Những mục tiêu đó có thể là những mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn:
- Tiết kiệm tiền để trả nợ
- Tiết kiệm tiền để mua nhà, mua xe
- Tiết kiệm tiền khi về hưu
- Tiết kiệm tiền để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp
- Tiết kiệm tiền để đi du lịch mỗi dịp hè

Một khi đã có mục tiêu, việc tiết kiệm tiền của bạn sẽ như được tiếp thêm động lực, bạn sẽ tuân thủ nguyên tắc đã đề ra và hoàn thành mục tiêu của mình.

Thống kê lại các khoản chi tiêu cần thiết và không cần thiết

Việc thống kê lại các khoản chi tiêu là thực sự cần thiết. Thống kê lại các khoản chi tiêu và rà soát hàng tuần xem đâu là khoản cần thiết, đâu là khoản không cần thiết là điều rất quan trọng. Bạn sẽ không thể quản lý tình trạng tài chính của mình khi bạn không rà soát chi tiêu.

Hiện nay, bạn có thể sử dụng các ứng dụng ghi chép việc thu chi hàng ngày một cách nhanh chóng và dễ dàng. Bạn không nên bỏ qua bất kỳ khoản chi tiêu nào, dù là nhỏ nhất để có cái nhìn tổng quát về việc chi tiêu của bản thân. Đối với mỗi khoản chi tiêu, bạn nên hỏi chính mình xem liệu khoản chi đó có thực sự cần thiết hay không và có phương án điều chỉnh trong những lần sau.

Phân chia thu nhập của bản thân

Một mẹo quan trọng không kém giúp bạn tiết kiệm tiền một cách hiệu quả là phân chia thu nhập của bản thân. Bạn đã từng nghe đến phương pháp 50/20/30?

Quy tắc quản lý tài chính cá nhân 50/20/30.

50/20/30 là phương pháp quản lý tài chính cá nhân mà hầu hết mọi người đều nên biết. Với phương pháp này, bạn sẽ tìm được cách phân bổ nguồn tiền một cách hợp lý. Quy tắc 50/20/30 sẽ chia nhỏ thu nhập của bạn làm 3 phần:

50% thu nhập - Chi trả cho các nhu cầu thiết yếu

50% thu nhập của bạn nên dành để chi trả cho các khoản thiết yếu như tiền nhà, tiền điện nước, chi phí đi lại, tiền ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Bằng cách chia nhỏ thu nhập thành các phần, bạn sẽ biết được đâu là khoản tiền bạn có thể sử dụng cho các chi tiêu thiết yếu. Hãy chú ý và cân nhắc để việc chi tiêu của mình không vượt quá 50% bạn nhé.

20% thu nhập - Dành cho đầu tư

Sau khi dành 50% thu nhập của mình cho các khoản chi thiết yếu, bạn có thể sử dụng 20% trong khoản còn lại để đầu tư sinh lời. Việc đầu tư có thể là đầu tư chứng khoán, mở sổ tiết kiệm, hay đơn giản là trả những khoản nợ từ trước đó của mình. Việc đầu tư sinh lời có thể giúp bạn kiếm được thêm tiền cũng như làm giảm gánh nặng tài chính.

30% còn lại - Chi trả cho nhu cầu giải trí, tận hưởng cuộc sống

Phần còn lại là 30% bạn có thể sử dụng cho nhu cầu giải trí, chi tiêu cá nhân. Đây là khoản chi tiêu linh hoạt, bạn có thể sử dụng tùy ý. Tuy nhiên, hãy kiểm soát phần chi tiêu này để tránh việc chi tiêu quá đà cho những sở thích của bản thân bạn nhé.

Còn bạn, bạn đang tiết kiệm tiền bằng cách nào? Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Tiết kiệm tiền để làm gì?” cũng như nắm được các mẹo tiết kiệm tiền. Mỗi phương pháp sẽ có một ưu điểm, khuyết điểm riêng, vậy nên hãy trải nghiệm và tìm ra các “mẹo” giúp bản thân tiết kiệm tiền một cách hiệu quả nhất nhé!
Chia sẻ
Tags:
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Chương trình ưu đãi khác

Đăng ký nhận thông tin từ OCB

Ngân hàng số OCB OMNI trên di động