Chia sẻ

Hướng dẫn lập bảng kế hoạch tài chính cá nhân

21/07/2021
Kế hoạch tài chính cá nhân là bản kế hoạch về việc sử dụng ngân sách, các khoản thuế, các khoản tiết kiệm và tăng trưởng tài chính cá nhân, thu hồi nợ… Việc lập bảng tài chính cá nhân khoa học giúp bạn kiểm soát tài chính, tiền bạc của mình khoa học, chính xác và hiệu quả. Nó bao gồm tất cả các quyết định về hoạt động tài chính như thu nhập, chi tiêu, cắt giảm, tiết kiệm, đầu tư. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn lập bảng kế hoạch tài chính tài chính các nhân đơn giản mà hiệu quả.

1. Các mục cần có trong bảng kế hoạch tài chính cá nhân

Để lập được một bảng kế hoạch đầy đủ thông tin và kết quả cần thiết, bạn cần nắm được các mục cần có và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên.

1.1 Mục tiêu

Đây là mục không thể thiếu trong bảng kế hoạch tài chính cá nhân. Phải có mục tiêu bạn mới xác định được hướng đi của mình và đưa ra các quyết định về tài chính trong từng thời điểm khác nhau.

Các mục tiêu cơ bản thường có trong mẫu kế hoạch tài chính cá nhân, bao gồm:

  • Về nhà cửa: Bạn muốn sống ở đâu, với ai, diện tích căn hộ thế nào, nội thất trang trí ra sao. Dự toán chi tiêu trong khoảng nào.
  • Về nhu cầu sống: Bạn muốn đi du lịch ở đâu trong tháng tới, quý tới; bạn muốn mua sắm trang thiết bị gì; mua đồ hiệu hãng nào. Số tiền dành cho các khoản này dự kiến là bao nhiêu.
  • Bạn cũng nên suy nghĩ về việc tiết kiệm đều đặn 10-15% thu nhập mỗi năm để làm quỹ dự phòng hoặc quỹ hưu trí cho bản thân. Chi phí học hành cho con cái sau này cũng cần được tính toán cẩn trọng trong bảng kế hoạch tài chính cá nhân.

1.2 Các khoản thu chi theo ngày/tháng/quý/năm

Việc liệt kê đầy đủ các khoản thu chi có thể coi là trọng tâm trong bảng kế hoạch tài chính cá nhân. Từ việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu chi này, bạn sẽ tính toán được các khoản dư mình còn lại là bao nhiêu, đang tiết kiệm được từng nào, có thể đầu tư thêm những gì. Bạn có thể tìm hiểu thêm và sử dụng app quản lý tài chính vô cùng đơn giản và hữu ích để quản lý thu chi cho gia đình, các dòng tiền.

Dựa vào những thống kê đó hãy lập bảng quản lý chi tiêu cá nhân hàng tháng tương ứng.

1.3 Đặt thời gian hoàn thành mục tiêu

Bạn hãy chia mục tiêu từ mục tiêu nhỏ đến lớn, và bắt đầu từ những mục tiêu có thể thực hiện ngay. Đối với những mục tiêu dài hạn, bạn cũng nên chia ra thành các mốc thời gian ngắn hơn và lần lượt hoàn thành chúng.

2. Các bước lập bảng kế hoạch tài chính cá nhân

Sau khi lập ra bảng giấy kế hoạch gồm các mục gì, việc tiếp theo bạn cần lập bảng kế hoạch chính thức để quản lý tài chính cá nhân của mình.

2.1 Xác định rõ tình hình tài chính cá nhân hiện tại

Đầu tiên, thiết lập mục tài sản có sẵn và các khoản nợ của bạn (nếu có). Tài sản có sẵn có thể là tiền mặt, các giá trị vật chất đang sở hữu như nhà cửa, xe cộ,... hoặc các tài sản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu hoặc lương hưu. Các khoản nợ có thể bao gồm các hóa đơn và khoản nợ chi tiêu cá nhân như nợ mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng,...

Tiếp theo, bạn sẽ tính toán giá trị ròng hiện tại của mình. Giá trị ròng tính tới thời điểm hiện tại chính là tổng tài sản của bạn đang có trừ đi tổng khoản nợ của bạn. Đây chính là giá trị thực và là điểm khởi đầu cho bản kế hoạch tài chính cá nhân của bạn. Giá trị ròng dương nghĩa là tài sản của bạn lớn hơn nợ phải trả. Ngược lại, nếu khoản nợ lớn hơn thì giá trị âm và bạn sẽ phải lưu ý các hướng đi tiếp theo cho hợp lý.

Bắt tay vào việc tạo hồ sơ - báo cáo các khoản chi phí khác: Hãy tạo một hồ sơ khai thuế, báo cáo tài khoản ngân hàng và các thông tin chính sách, bảo hiểm, hợp đồng, hóa đơn; báo cáo kế hoạch đầu tư, báo cáo tài khoản hưu trí và tất cả những tài liệu liên quan đến vấn đề tài chính của bạn.

Cuối cùng, đảm bảo luôn kiểm soát các thu nhập và chi tiêu của mình. Việc này giúp bạn nắm rõ cách tiêu tiền cũng như theo dõi được thói quen dẫn đến giá trị ròng của bạn.

2.2 Xác định mục đích kế hoạch chi tiêu

Đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bạn hãy suy nghĩ một cách rõ ràng và nghiêm túc về những gì bạn muốn có trong tương gần và tương lai xa. Sau đó phác thảo lại mục đích của mình. Các mục tiêu có thể thiết lập dựa vào nhau, lồng ghép nhau. Ví dụ mục tiêu tiết kiệm 10 triệu 1 tháng là mục tiêu ngắn hạn đủ khả năng kéo dài và dẫn đến mục tiêu trung hạn là mua xe trong vòng 3 - 6 tháng.

Nghiên cứu và áp dụng quy trình thông minh SMART.

Về cơ bản, quy trình SMART là Specific (Cụ thể), Measurable (Có thể đo đếm), Attainable (Có thể đạt được), Realistic (Thực tế) và Time based (Thời gian đạt được). Theo sát quy trình này, bạn hoàn toàn có khả năng biến ước mơ dự định trở thành thực tế.

2.3 Xác định hướng đi

Nghiên cứu các lựa chọn có sẵn đủ khả năng để đạt được mục tiêu tài chính đề ra. Để đạt được một mục tiêu tài chính có thể cần nhiều hướng đi. Không nên để mục tiêu tài chính này tác động tiêu cực tới mục tiêu tài chính khác.

2.4 Xem xét các lựa chọn thay thế


  • Xác định chiến lược bạn sẽ dùng cho từng loại mục tiêu cụ thể. Bạn cần xem xét lại trạng thái cuộc sống, các giá trị cá nhân và điều kiện kinh tế hiện tại.
  • Tìm hiểu, học hỏi các quyết định tiềm năng như một nhà nghiên cứu. Ví dụ, khi bạn đầu tư tài chính, bạn phải nắm bắt được mối quan hệ giữa rủi ro và hiệu quả bạn đủ sức đạt được.
  • Suy nghĩ đến cả những trường hợp xấu nếu bạn không đạt được hiệu quả như ý và kết quả bạn sẽ đạt được nếu dự án thành công. Liệu kết quả đó có xứng đáng với nguy cơ bạn có thể phải đối mặt hay không.
  • Kể cả khi bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch tài chính thì luôn luôn vẫn có những rủi ro.
Có rất nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của bạn, quan trọng là bạn phải sẵn sàng đối mặt và cố gắng vượt qua.

2.5 Lập bảng kế hoạch chi tiêu cụ thể và triển khai

Hãy nhìn vào bức tranh tổng quan về tình hình tài chính của bạn. Trong trường hợp các khoản nợ của bạn lớn hơn số tài sản ròng, lãi suất của bạn có thể “giết chết” bạn bất cứ lúc nào theo thời gian. Hãy cân nhắc phân bố cẩn thận các nguồn tiền để giảm nợ trước và ngăn chặn các vấn đề xấu xảy ra sau này. Đặt rõ kế hoạch tăng trưởng ngân sách và kết hợp với các mục tiêu tài chính của bạn. Ngoài ra, nếu thật sự quan trọng, bạn nên cân nhắc đến việc nhờ tới sự hỗ trợ từ các chuyên viên hoạch định tài chính.

2.6 Xem xét lại và chỉnh sửa kế hoạch cho phù hợp

Lập kế hoạch tài chính là một quy trình. Vì cuộc sống luôn luôn thay đổi, công việc của bạn cũng sẽ rẽ theo nhiều hướng khác nhau, vì thế không nhất thiết lúc nào cũng cố định kế hoạch tài chính cá nhân vào mọi thời gian.

Bạn cần có cái nhìn linh động hơn, thường xuyên nhìn lại và xem xét kế hoạch tài chính đã định còn phù hợp với tình hình tài chính hiện tại hay không. Bạn có thể đánh giá lại định kỳ theo tháng, theo quý hoặc theo năm.

Trong trường hợp bạn đã có gia đình, hãy bàn bạc kế hoạch tài chính của mình với người bạn đời để họ cùng góp ý và chỉnh sửa kế hoạch tài chính cho phù hợp với con đường của cả cá nhân bạn và gia đình mình.

Như vậy, với các bước xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân như trên, hi vọng bạn sẵn sàng xây dựng một bản kế hoạch tài chính chuẩn và hiệu quả cho bản thân.

3. Gợi ý lập bảng tài chính kế nhân bằng Excel

Vì Excel có sẵn các đặc tính hàng và cột nên khá thuận tiện cho bạn lập bảng kế hoạch tài chính cá nhân. Cụ thể, để lập bảng kế hoạch thu chi trên trang tính, bạn làm theo các bước sau:

Gợi ý lập bảng tài chính kế nhân bằng Excel.


  • Bước 1: Tải về và mở trang tính mới trên Excel.
  • Bước 2: Tạo cột thu nhập và chi tiêu.
  • Bước 3: Nhập thu nhập và chi tiêu theo tháng.
+ Liệt kê các khoản thu nhập và chi tiêu theo hàng ngang. Ví dụ, nguồn thu nhập bao gồm tiền lương chính thức, lương part-time ngoài giờ, tiền thưởng, trợ cấp,...
+ Note rõ các tháng mà bạn muốn quản lý tài chính cá nhân để tiện theo dõi. Nhập mỗi tháng vào một ô riêng biệt theo cột dọc và nằm cùng trên một hàng của bảng tính.

  • Bước 4: Tính tổng thu nhập.
+ Nhấp vào ô trống bên phải cạnh ô “Tổng thu” để đặt lệnh tính tổng Excel. Sau đó, nhấp mục AutoSum trong thanh Menu nằm ngang bên trên màn hình.
+ Nhấp và kéo vào các ô mà bạn muốn tính tổng thu trong các khoản thu. Khi đó các ô sẽ được tô màu sáng nổi bật hơn, ấn Enter để hoàn thành.

  • Bước 5: Tính tổng chi tiêu (Các thao tác tương tự như tính tổng thu nhập).
  • Bước 6: Tính khoản dư hoặc thâm hụt mỗi tháng.
Tạo một dòng riêng và đặt tên là “Khoản dư”. Sau đó nhấp vào ô bên phải của ô khoản dư và gõ dòng lệnh: = ‘Click ô tổng tiền các khoản thu’ phím trừ (-) ‘Click ô tổng tiền các khoản chi’ và ấn Enter.

  • Bước 7: Sao chép công thức và tính cho các tháng tiếp theo.
Trên đây là 7 bước cơ bản giúp bạn lập kế hoạch tài chính cá nhân bằng Excel đơn giản, nhanh chóng.

4. Top 5 bảng kế hoạch tài chính cá nhân mẫu siêu ấn tượng

4.1 Expenses - Chi tiêu

Đây là một cách khá đơn giản, để thực hiện bạn chỉ cần tạo 1 bảng có 5 cột:

- Thời gian (thứ, ngày, tháng, năm).
- Sản phẩm đã chi trong ngày.
- Địa điểm mua.
- Danh mục chi tiêu (các loại sản phẩm). Các danh mục có thể bao gồm thực phẩm, sức khỏe, làm đẹp, đồ gia đình, quà tặng,...
- Chi phí.

Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể linh động tạo thêm các cột dựa trên những gì bạn muốn kiểm soát trong tài chính cá nhân.

Mẫu kế hoạch, báo cáo tài chính chi tiêu.

4.2 Budget & Expenses - Ngân sách & Chi tiêu

Budget & Expenses giúp bạn nhìn rõ bạn đang chi tiêu nhiều vào những khoản nào và có đang hoàn thành mục tiêu tiết kiệm không để điều chỉnh chi tiêu hợp lý cho tháng tới. Bạn hãy thiết kế hai trang Ngân sách và Chi tiêu cạnh nhau.

Mẫu kế hoạch tài chính này giúp bạn có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính cá nhân theo tháng.

Mẫu sẽ có 4 cột chính:

- Chi tiêu: ghi chú tổng chi phí các các danh mục chi tiêu lớn trong tháng như tiền nhà, điện nước, xăng xe, thẻ tín dụng, sức khỏe,...
- Tiết kiệm.
- Số dư.
- Chi tiêu hàng tháng: ghi chép chính xác khoản chi tiêu của từng ngày trong tháng: ngày mua, sản phẩm, nơi mua, giá cả, tổng tiền.

4.3 Bill Tracker - Theo dõi hóa đơn

Mẫu này phù hợp cho những bạn đã lập gia đình, khi mà hàng tháng có hàng chục các loại hóa đơn được gửi về như: điện, nước, mạng internet, gas, truyền hình, lãi vay nợ,...

Mẫu báo cáo theo dõi hoá đơn.

Mẫu này sẽ bao gồm các cột:

- Một danh sách chi tiết các hóa đơn.
- Các số liệu theo dõi tiết kiệm.
- Biểu đồ theo dõi thay đổi giá trị dịch vụ/ sản phẩm.

4.4 Subscriptions Tracker - Theo dõi các gói dịch vụ online

Mẫu này giúp chúng ta theo dõi các khoản dịch vụ đăng ký online như Adobe, Google drive, App music, Netflix, khóa học tiếng Anh online,...

Bạn có thể kết hợp Subscriptions Tracker với Bill Tracker để theo dõi hóa đơn và các gói đăng ký ở cùng một trang.

4.5 Saving - Tiết kiệm

Đây là ý tưởng rất thú vị để theo dõi mức độ hoàn thành mục tiêu tiết kiệm của bạn trong thời gian dài hạn. Điều này khiến quá trình tiết kiệm trở nên gần gũi, nhẹ nhàng hơn, tạo động lực cho mọi sự cố gắng. Sẽ là cảm giác rất tuyệt vời và hào hứng nếu mỗi ngày bạn đều thấy mình tiến gần hơn đến “ngôi nhà mơ ước” của mình.

Cả 5 mẫu ý tưởng trên đều vô cùng ấn tượng và có khả năng truyền cảm hứng về cách bạn có thể kiểm soát tài chính cá nhân của mình. Hy vọng một trong số chúng sẽ phù hợp và hiệu quả với bạn. Chúc bạn lập bảng kế hoạch tài chính cá nhân thành công cho riêng mình.
Chia sẻ
Tags:
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Chương trình ưu đãi khác

Đăng ký nhận thông tin từ OCB

Ngân hàng số OCB OMNI trên di động